Bị Thiệt Thòi Nhưng Vẫn Vui Vẻ Là Tu Đúng Rồi

Các vị muốn học Phật, nhất định phải phát bồ đề tâm. Đối nhân xử thế, tiếp xúc với các vật (việc) phải dùng tâm chân thành. Người khác đối xử với ta bằng ý ác, lừa dối ta, ta vẫn phải dùng thành tâm đối xử với họ. Vậy thì ta chẳng phải là đã chịu thua thiệt rồi sao? Không sai. Bạn không chịu thua thiệt, không chịu bị lừa phỉnh thì bạn sẽ mãi làm phàm phu. Nếu bạn muốn làm Phật, làm Bồ Tát thì phải cam tâm tình nguyện bị thua thiệt, bị lừa phỉnh. Bạn phải hiểu rằng, thời gian bạn chịu thua thiệt, lừa phỉnh rất ngắn ngủi, quá lắm chẳng qua là chỉ một đời này mấy mươi năm mà thôi. Sau khi mấy mươi năm này qua đi, bạn thật đã thành Phật rồi, thì mới biết là không hề thua thiệt, không hề bị lừa phỉnh đâu. Nếu hiện tại không chịu được thua thiệt, không chịu bị lừa phỉnh, thì đời đời kiếp kiếp bạn thật sự thua thiệt và bị lừa phỉnh. Bài toán này phải cố mà tính toán nhé.

Quý vị nhất định phải nhớ kỹ: đối nhân, xử thế, tiếp vật phải dùng một tâm, không dùng hai tâm. Có lẽ có người nói: tôi dùng cái tâm này thì trong cái xã hội ngày nay mà nói, đi đâu cũng phải chịu thua thiệt, phải chịu bị lừa phỉnh. Không sai! Có lẽ chịu thua thiệt một chút là phải bị lừa phỉnh. Thử hỏi: bạn có thể bị thua thiệt bao nhiêu năm? Bạn có thể bị lừa phỉnh bao nhiêu năm? Coi như là bạn sống một trăm tuổi, thì chỉ bị thua thiệt, bị lừa phỉnh mấy chục năm này, tương lai thành Phật, thành Bồ tát. Nếu mấy chục năm này không chịu bị thua thiệt, không chịu bị lừa phỉnh thì tương lai đời đời kiếp kiếp ở trong ba đường ác. Sao lại không chịu suy nghĩ nhiều chút, rốt cục cái nào thua thiệt? Cái nào bị lừa phỉnh? ……Nhìn xa hơn một chút xem thì cho dù có chịu thua thiệt cỡ nào, bị lừa phỉnh cỡ nào cũng cam tâm tình nguyện. Giữ cho tâm địa thanh tịnh thuần khiết, nhất quyết không để bị nhiễm ô, cái này mới quan trọng.

Đối với người học Phật, nếu bị người ta chửi thì tuyệt đối không chửi lại câu nào, không sanh lòng sân hận, vì người ta giúp ta tiêu nghiệp chướng mà. Nghiệp chướng tiêu rồi, ta cảm ơn họ còn không kịp, làm sao lại muốn báo thù cơ chứ? ……Vì thế đừng nên tính toán việc bị người làm hại, đừng nên cho rằng bản thân bị thua thiệt, bị lừa phỉnh. Bạn thật sự không có thua thiệt, không có bị lừa đâu. ……Bạn biết rõ phước báo của bạn càng tích lũy càng sâu dày, không những chẳng bị thua thiệt, thật ra lại còn có lời lớn nữa cơ. Vậy nên trước mắt cứ xem như chịu thua thiệt, chịu bị lừa phỉnh, giàu có, danh dự đều bị tổn thất; nào ngờ rằng trong nháy mắt sự giàu có, niềm vinh dự của bạn lại được tăng lên không biết bao nhiêu mà kể. Người y giáo tu hành được chư Phật hộ niệm, Long Thiên Thiện Thần bảo hộ, thì đâu thể nào bị thua thiệt, bị lừa phỉnh.

Người học Phật nhất định phải nhớ kỹ: không được kết oán thù với bất kỳ ai. Đấy là người thật sự thông minh, thật sự có trí tuệ. Đối với oan gia trái chủ phải cố hết sức nhẫn nhịn, nhẫn một đời thì trả xong nợ. Vì vậy phải học nhẫn nhịn, đừng sợ bị thua thiệt, đừng sợ bị lừa phỉnh. Chịu thua thiệt là phước chứ không phải là họa, luôn luôn được tiêu tai diệt tội. Nhẫn nhịn chắc chắn là điều đúng đắn.

Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế còn bị sáu nhóm Tì kheo, sáu thầy ngoại đạo sỉ nhục trước mặt; sau lưng thì chửi mắng ác độc, nhiều lắm. Phật không có tính toán với bọn họ cũng không biện luận với bọn họ. Chửi, kệ họ, chửi lâu rồi, chửi mệt rồi thì bọn họ tự nhiên không chửi nữa. Hà tất gì phải đi chấp nhặt với bọn họ? Phải nhẫn, đấy là điều chư Phật, Bồ tát đã tu, chúng ta phải nên học theo vậy.

Trích Niệm Phật Thành Phật
Lão pháp sư Tịnh Không giảng
Một vị cư sĩ Diệu Âm biên soạn
Chúng đệ tử Diệu Âm (Sen Vàng) chuyển ngữ

One response to this post.

  1. Thông thường mỗi khi có tranh chấp, nhất định là do chấp trước thành kiến của mình, tự cho mình là đúng. Nếu hai người đều cho là mình đúng nên mới có sự tranh chấp, nếu anh ấy cho là đúng, tôi không tự nghĩ mình là đúng, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Họ tranh còn tôi nhường, tranh cãi chẳng còn dấy lên. Đánh nhau thì phải do hai người đánh đấm, nếu một người đánh, một người nhường, chẳng còn đánh nhau nữa! Mắng chửi cũng vậy, hai người chửi mắng nhau thì mới ầm ĩ, một người mắng, một người nhịn thì người kia không thể tiếp tục chửi mắng nữa. Từ đây cho thấy, hai người đánh lộn hoặc chửi mắng nhau, chứng tỏ hai người ngang hàng; nếu một người cao, một người thấp sẽ chẳng thể cãi nhau được. Người ở trình độ cao hơn sẽ nhường, sẽ không tranh cãi nữa. Chỗ này chúng ta phải học hỏi, hễ học được thì trong đời này sẽ có nhiều hạnh phúc. Khi chúng ta muốn cùng người khác cãi vả, tự mình phải sanh lòng hổ thẹn. Vì sao? “Tôi cũng giống như họ vậy”, không giống nhau thì làm sao cãi vả cho được!

    Vì thế, đừng cho mình là đúng, đừng nghĩ rằng mình rất tài giỏi, chớ nghĩ mình là thông minh nhất, [nếu nghĩ] như vậy sẽ dẫn đến thị phi, sẽ dính vào nhiều việc phiền phức. Giống như trong xã hội hiện thời thường nói, chúng ta phải giữ lấy náu mình, như vậy mới là tốt! Chớ nên tranh cãi với kẻ khác. Nhất là khi học Phật, khởi sự từ đâu? “Chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời”. Vô tranh vô cầu là buông xuống hết thảy, hết thảy đều không chấp trước, niệm Phật vãng sanh không còn chướng ngại. Niệm Phật không thể vãng sanh là vì chúng ta vẫn còn có tranh giành, chúng ta vẫn còn đòi hỏi, còn tranh còn cầu thì chính mình chịu thiệt thòi, thiệt thòi quá lớn! Không thể vãng sanh thì vẫn phải tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi, vậy thì phiền phức to lớn hay không? Thiệt thòi quá to lớn, vì thế, trước hết phải học “vô tránh” (không tranh). Một đệ tử đức Phật là tôn giả Tu Bồ Đề đối với hết thảy người, sự, vật đều chẳng tranh giành, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường khen ngợi Ngài, Ngài đã đắc Vô Tránh Tam-muội. Thế Tôn tán thán Ngài, biểu dương Ngài là khuôn mẫu, dạy chúng ta nên học theo Ngài, dụng ý là ở chỗ này.

    Trích từ sách Nhìn Thấu Là Trí Tuệ Chân Thật
    Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
    Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
    Như Hòa nhuận văn

Đã đóng bình luận.