Đây là bài kệ trích từ kinh Quán Thế Âm Bồ Tát thọ ký:
“Hãy phát bồ đề tâm,
Rộng cứu chúng quần sanh,
Là cúng dường chánh giác,
Với 32 tướng hảo,
Dẫu lấy hàng hà sa,
Trân diệu vật trang nghiêm,
Phụng hiến chư Như Lai,
Cùng hoan hỉ đảnh thọ,
Chẳng bằng với từ tâm,
Hồi hướng về bồ đề,
Phước này là tối thắng,
Vô lượng vô biên thế,
Không cúng dường nào hơn,
Siêu việt chẳng tính kể,
Bồ đề tâm như thế,
Tất thành đẳng chánh giác.”
“vong phát bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”
(NẾU QUÊN MẤT TÂM BỒ ĐỀ DÙ TU TẤT CẢ THIỆN PHÁP ĐỀU LÀ MA NGHIỆP)
Sư phụ nói với chúng ta, cái gì là oan gia sinh tử của chúng ta? Chính là những cái lo ngại. Nếu như trong tâm bạn vẫn còn rất nhiều lo ngại, còn nghĩ đến điều này chưa làm xong, điều kia chưa giải quyết, vẫn còn cái này buông không xuống, cái kia rời không khỏi, vậy là cái lo ngại trong tâm này chính là oan gia sinh tử của bạn, đến khi lâm chung thì sẽ đến làm chướng ngại bạn vãng sanh. Cho nên phải sớm chuẩn bị công việc vãng sanh trước cho xong, cần dặn dò thì dặn dò, cần sắp xếp thì sắp xếp, cần giải quyết thì giải quyết. Đừng nên đợi đến khi lâm chung lại đi dặn dò, sắp xếp và giải quyết, vậy thì không kịp rồi, không còn có cơ hội nữa. Do vì tôi đã từng thấy qua người sắp lâm chung, phần lớn là ngắn hơi yếu sức, lời muốn nói mà nói không ra, ý muốn bày tỏ lại bày tỏ không được, trong lúc đó người lâm chung thường là bồn chồn và tức giận, một khi khởi lên tâm sân hận, thì chắc chắn đọa vào địa ngục. Cho nên, trước khi lâm chung chúng ta cần phải làm cho xong tất cả công việc chuẩn bị, thật sự làm được buông xuống vạn duyên, lão thật niệm Phật cầu sanh Tây phương, vậy là đúng rồi. A Di Đà Phật!
Posted by Đường Về Cực Lạc on Tháng Một 11, 2018 at 1:27 sáng
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
Điều 1 :
Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì tham dục dễ sanh ( dục vọng dể sanh ). Chính vì thế hãy lấy bệnh khổ làm thuốc thần.
Điều 2 :
Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy
Chính vì thế hãy lấy hoạn nạn làm giải thoát.
Điều 3 :
Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo. Chính vì thế hãy lấy khúc mắc làm thú vị.
Điều 4 :
Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường. Chính vì thế hãy lấy ma quân làm bạn pháp.
Điều 5 :
Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì tất sanh tự kiêu ( lòng khinh thường kiêu ngạo ). Chính vì thế hãy lấy khó khăn làm thích thú.
Điều 6 :
Giao tiếp thì đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. Chính vì thế hãy lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ.
Điều 7 :
Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì dể sanh cống cao ngạo mạn. Chính vì thế hãy lấy người chống đối làm nơi giao du.
Điều 8 :
Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân mà có mưu tính ( mưu đồ ). Chính vì thế hãy coi thi ân như đôi dép bỏ.
Điều 9 :
Thấy lợi đừng nhúng tay vào, vì nhúng tay vào thì hắc ám tâm trí (si mê phải động). Chính vì thế hãy lấy sự xả lợi làm vinh hoa.
Điều 10 :
Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài ( nhân ngã chưa xả ). Chính vì thế hãy lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.
(Trích từ luận Bảo Vương Tam Muội)
Posted by Đường Về Cực Lạc on Tháng Một 11, 2018 at 1:29 sáng
Cõi Này Tu Thiện Một Ngày Đêm Hơn Trăm Năm Làm Lành Nơi Cõi Tây Phương Cực Lạc
Trong pháp hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký trong kinh Bảo Tích có nói: ‘Nếu có chúng sanh ở trong cõi Phật ấy tu các phạm hạnh suốt cả ức trăm ngàn năm vẫn chẳng bằng ở trong thế giới Sa Bà này, chỉ trong khoảng thời gian khảy ngón tay khởi tâm từ bi đối với chúng sanh. Công đức người ấy đạt được còn nhiều hơn thế nữa. Huống hồ là trong một ngày một đêm trụ trong tâm thanh tịnh’.
Kinh Tư Ích cũng dạy: ‘Như người ở cõi tịnh trì giới suốt một kiếp; người ở cõi này thực hành lòng từ trong khoảnh khắc vẫn là tối thắng’.
Kinh còn dạy: ‘Ta thấy trong những cõi Hỷ Lạc và cõi An Lạc không có khổ não, cũng không có danh từ khổ não. Trong những cõi ấy mà làm các công đức thì chẳng đáng kể là lạ. Ở chốn phiền não này mà nhẫn được sự chẳng thể nhẫn, lại còn dạy người khác pháp này thì phước ấy mới là tối thắng’.
Kinh Thiện Sanh cũng nói: ‘Lúc Phật Di Lặc xuất thế, thọ giới suốt trăm năm cũng chẳng bằng [thọ giới] một ngày một đêm trong cõi ta. Vì sao vậy? Trong thời của ta, chúng sanh có đủ cả năm thứ nhơ bẩn. Này thiện nam tử! Bát Trai Giới đây chính là con đường dẫn tới trang nghiêm vô thượng Bồ Ðề’.
Tôi dẫn nhiều kinh như trên nhằm chứng minh rằng trong cõi này, ngay trong khoảng ‘uống khổ, ăn độc, chưa từng yên nghỉ’ này mà hành nhân lại có thể trai giới thanh tịnh, nhẫn nhục, tinh tấn thì công đức của người ấy vượt xa những người khác trong các cõi Phật phương khác. Trong cõi này, tu hành dù ‘một ngày một đêm hơn cả làm lành suốt trăm năm trong cõi Phật Vô Lượng Thọ’, ‘trong mười ngày mười đêm hơn hẳn làm việc thiện suốt ngàn năm nơi các cõi Phật phương khác’.
Trích từ chú giải:
“Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh”
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập
Hoàng Niệm Tổ chú giải
Như Hòa dịch Việt