Nguyên Tắc Tu Học

I. ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG
Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử, cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu pháp môn Tịnh Độ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời, danh hiệu là Vô Lượng Quang. Trong một kiếp có mười hai đức Như Lai kế nhau thành Phật, vị thành Phật sau cùng danh hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật kia chỉ dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội. Thí như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế, nếu có gặp nhau cũng như không gặp, dầu có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người đều tưởng nhớ nhau, cả hai người càng nhớ càng khắc sâu trong lòng. Như thế từ đời này cho đến đời khác, như hình với bóng, không cách xa nhau. Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy rằng tưởng nhớ chẳng có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con, mẹ con đời đời kiếp kiếp không cách xa nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ. Như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô Sanh Nhẫn. Nay ở cõi Ta Bà này, rộng độ những người niệm Phật, vãng sanh về Tịnh Độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, đều nhiếp lục căn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam Ma Địa, đó là thù thắng nhất.

II. Lời khai thị của ẤN QUANG ĐẠI SƯ
Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp. Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi đứng nằm ngồi ăn mặc, từ sáng đến tối từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn: hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.
Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm, phải tức thời bỏ ngay. Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối. Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương, chỉ nên chăm sóc việc nhà mình mà đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp mà đừng để mắt tới hình dạng xấu xa bại hoại. Hãy coi mọi người đều là Bồ tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu.
Nếu quả có thể tu hành được như những điều kể trên, thì nhất định được sinh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

III. Tịnh Nghiệp Tam Phước:
1- Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, lòng từ bi không giết hại, tu thập thiện nghiệp.
2- Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, chẳng phạm oai nghi.
3-Phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

IV. Lục Hòa:
1. Kiến hòa đồng giải.
2. Giới hòa đồng tu.
3. Thân hòa đồng trụ.
4. Khẩu hòa vô tranh.
5. Ý hòa đồng duyệt.
6. Lợi hòa đồng quân.

V. Thập Nguyện Phổ Hiền:
1- Lễ kính chư Phật.
2- Khen ngợi Như Lai.
3- Rộng tu cúng dường.
4- Sám hối nghiệp chướng.
5- Tuỳ hỷ công đức.
6- Thỉnh chuyển pháp luân.
7- Thỉnh Phật trụ thế.
8- Thường tuỳ Phật học.
9- Hằng thuận chúng sanh.
10- Hồi hướng tất cả.

3 responses to this post.

  1. PHƯƠNG PHÁP NIỆM 10 DANH HIỆU A DI ĐÀ PHẬT

    Phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật là phương pháp đơn giản, lợi ích thiết thực trong việc hành trì pháp môn niệm Phật. Đặc biệt thích hợp với những người ít có thời gian tu tập. Hành trì theo phương pháp nầy sẽ giúp cho chúng ta nhất tâm chánh niệm A-Di-Đà Phật và giúp cho chúng ta an lạc thanh thản ngay trong giây phút hiện tại. Thời khóa hành trì được bắt đầu khi chúng ta thức giấc vào sáng sớm. Chúng ta ngồi thẳng người và niệm rõ ràng danh hiệu A-Di-Đà Phật 10 lần với tâm chánh niệm, niệm lớn tiếng hay niệm thầm tùy theo ý muốn từng người. Chúng ta lặp lại công phu nầy 8 lần nữa trong một ngày. Như vậy, chúng ta công phu theo phương pháp nầy 9 lần trong mỗi ngày. Thời gian đó được đề nghị như sau:

    1. Ngay khi vừa thức giấc buổi sáng sớm.
    2. Trước khi bắt đầu dùng điểm tâm.
    3. Sau khi dùng điểm tâm.
    4. Trước khi làm việc chính trong ngày.
    5. Trước khi ăn trưa.
    6. Sau khi ăn trưa.
    7. Trước khi ăn tối.
    8. Sau khi ăn tối.
    9. Lúc đi ngủ.

    Quan trọng nhất là hành trì đều đặn. Sự gián đoạn, không kiên nhẫn khi hành trì sẽ làm giảm hiệu lực tác dụng. Nếu hành trì liên tục, tinh cần thì người tu sẽ thấy càng ngày thân tâm càng gia tăng niềm an lạc.
    Tinh tấn hành trì phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật kết hợp với niềm tin và bản nguyện chân chính không thay đổi, chắc chắn bảo đảm tâm nguyện vãng sinh cõi Tây phương Cực Lạc, cõi Vô lượng thọ, Vô lượng quang sẽ được thành tựu. Nguyện rằng mọi người đều cùng nhau tu tập.

    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

    Trích: Nhận Thức Phật Giáo (Tịnh Không Pháp Sư giảng)

  2. A Di Đà Phật – Xin chào bạn,

    Có người hỏi:” Mình mới bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp, không biết nên bắt đầu học từ đâu?“. Mình xin mạn phép được sao chép phần trả lời của một vị đạo hữu rất hay ở đây:

    Bước 1: Xác định mục tiêu việc học Phật
    Làm cái gì cũng phải có mục tiêu rõ rệt. Không xác định được mục tiêu chẳng khác là đi biển không có la bàn. Xác định mục tiêu bằng cách nào đây? Bằng cách bạn hãy bỏ ra ít nhất 5 phút mà đọc câu nói sau:” HỌC PHẬT LÀ ĐỂ THÀNH PHẬT. THÀNH PHẬT THÌ PHẢI NIỆM A DI ĐÀ PHẬT.” Bạn có thể đọc to thành tiếng, hoặc đọc thầm trong tâm. Có thể đọc trong nhà, hoặc ở giữa cánh đồng, hoặc ở ngoài bãi biển, tóm lại là bất cứ chỗ nào mà bạn cảm thấy thoải mái.

    Bước hai: Học Phật thì cũng phải biết chút về Phật
    1. Bạn xem ở đây để biết một chút về Phật:
    http://tinyurl.com/ThienNhanSu
    2. Phật là đại giác ngộ. Thế Phật giác cái gì mà được gọi là Phật. Tự tánh của chúng sanh gọi là Diệu Tánh. Phật giác được Diệu Tánh này nên gọi là Diệu giác. Bạn nên biết một chút Diệu Tánh là gì. Chỉ cần biết sơ thôi, chưa cần phải hiểu sâu.
    https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxYjBUQTRPOXFPRTA/view?usp=sharing
    3. Bỏ 1 ngày lên youtube tìm 1 ca khúc niệm A Di Đà Phật có giai điệu phù hợp vơí sở thích của bạn. Thời kỳ đầu đọc kinh có thể có những lúc sẽ hơi nhàm chán. Con người ta thường thích âm nhạc.Vậy lấy ngay âm nhạc A Di Đà Phật mà nghe.
    4. Khi đã tìm đã được ca khúc niệm A Di Đà Phật, hãy bỏ ra 1 đến 7 ngày để nghe ca khúc này mỗi ngày có thể vài tiếng tùy theo thời gian của bạn.

    Bước 3: Thâm tín Nhân Quả
    Mục đích của bước này là để tin sâu nhân quả. Trong vòng 3 tháng bạn hãy tập trung đọc hai quyển Kinh Nhân quả, Làm chủ vận mệnh:
    https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxa2dBdkhYdlU3V00/view?usp=sharing

    Bước 4: Vào cửa tịnh tông
    -6 tháng đọc gia ngôn lục:
    https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxUExaVDZMcGxkamM/view?usp=sharing
    -6 tháng đọc A DI ĐÀ sớ sao diễn nghĩa:
    https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxcmNNOTdlREdGR0E/view?usp=sharing

    Bước 5: Tin sâu tịnh tông
    1 năm chuyên đọc sâu kinh Vô Lượng Thọ.
    https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxU3dWaW9TSHdzQ3c/view?usp=sharing

    Bước 6: tự lợi tự tha tịnh tông
    Một mặt mình tự niệm Phật, mặt khác đi chia sẻ những điều mình biết cho những người mới vào học Phật. Giai đoạn này có thể 5-20 năm tùy từng người.

    Bước 7: Chuyên tu
    Buông bỏ vạn duyên, chuyên tâm niệm Phật đến khi công phu ít nhất là thành phiến. Giai đoạn này có thể 1-5 năm tùy từng người.

    Bước 8: tự tại vãng sanh hoặc ở lại tùy duyên hóa độ.

    Kế hoạch này chỉ mang tính chất tham khảo không phải là cố định trong tâm thức. Người niệm Phật thì tùy duyên niệm Phật, tùy duyên vãng sanh. Hôm nay mạng hết thì vãng sanh hôm nay, năm sau mạng hết thì vãng sanh năm sau. Chứ không phải là chờ hết cái kế hoạch này thì mới vãng sanh.

    Nam Mô A Di Đà Phật

  3. MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

    Điều 1 :
    Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì tham dục dễ sanh ( dục vọng dể sanh ). Chính vì thế hãy lấy bệnh khổ làm thuốc thần.

    Điều 2 :
    Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy
    Chính vì thế hãy lấy hoạn nạn làm giải thoát.

    Điều 3 :
    Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo. Chính vì thế hãy lấy khúc mắc làm thú vị.

    Điều 4 :
    Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường. Chính vì thế hãy lấy ma quân làm bạn pháp.

    Điều 5 :
    Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì tất sanh tự kiêu ( lòng khinh thường kiêu ngạo ). Chính vì thế hãy lấy khó khăn làm thích thú.

    Điều 6 :
    Giao tiếp thì đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. Chính vì thế hãy lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ.

    Điều 7 :
    Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì dể sanh cống cao ngạo mạn. Chính vì thế hãy lấy người chống đối làm nơi giao du.

    Điều 8 :
    Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân mà có mưu tính ( mưu đồ ). Chính vì thế hãy coi thi ân như đôi dép bỏ.

    Điều 9 :
    Thấy lợi đừng nhúng tay vào, vì nhúng tay vào thì hắc ám tâm trí (si mê phải động). Chính vì thế hãy lấy sự xả lợi làm vinh hoa.

    Điều 10 :
    Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài ( nhân ngã chưa xả ). Chính vì thế hãy lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.

    (Trích từ luận Bảo Vương Tam Muội)

Đã đóng bình luận.