Niệm Phật Thành Phiến

Thế Nào Gọi Là Niệm Phật Công Phu Thành Phiến? Công phu là gì? Một câu Phật hiệu này có thể thay thế vọng tưởng, đó là công phu. Trong lúc niệm Phật, quyết không vọng tưởng thì là công phu. Công phu cạn thì thành phiến, công phu sâu thì đó là “Sự Nhất Tâm Bất Loạn” càng sâu hơn thì là “Lý Nhất Tâm Bất Loạn”. Cạn thì sanh về “Phàm Thánh Đồng Cư độ”, sâu thì sanh về “Phương Tiện Hữu Dư độ” càng sâu thì được sanh về “Thực Báo Trang Nghiêm độ”.

Công phu thật sự đắc lực, vọng tưởng, tạp niệm không khởi lên, gọi là công phu thành phiến thì các vị niệm Phật thành công rồi, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh “Phàm Thánh Đồng Cư độ”. Chúng ta thường nghe nói: Người vãng sanh biết trước giờ bỏ thân, không có bệnh gì, nói đi là đi, đứng mà đi, ngồi mà đi, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó. Xin hỏi thêm, phải niệm đến công phu như thế nào? Niệm đến công phu thành phiến là được rồi. Biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh, mỗi một người chúng ta ai cũng làm được, chỉ là không chịu làm mà thôi.

Công phu thành phiến quyết định vãng sanh, nếu tiếp tục cố gắng thêm một thời gian, các vị sẽ được sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại tức là bất sanh bất tử. Lợi ích niệm Phật thù thắng đến như vậy chúng ta không lấy, còn muốn nhớ tưởng việc thế gian, thù ghét, tranh giành, việc gì mà phải khổ như vậy? Phải nắm bắt cơ hội này, cái gì cũng không cần, chỉ muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì vấn đề sẽ được giải quyết thôi.

Phương pháp hay nhất để đoạn phiền não là niệm Phật, duy chỉ niệm Phật mới có thể rửa sạch phiền não. Dù là Thập Địa Bồ Tát đã chứng đắc địa vị rất cao, nhưng vô minh phiền não của các Ngài vẫn không dễ dàng rửa sạch. Sau cùng phải dùng phương pháp gì? Niệm Phật! Niệm Phật có thể tẩy rửa tận gốc vô minh, huống chi là Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não. Niệm Phật phải niệm đến tâm thanh tịnh hiện tiền, trong từng câu Phật hiệu nối tiếp, không có tạp niệm thậm nhập vào, tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Phiền não chưa đoạn, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chưa dứt, dùng 1 câu A Di Đà Phật nén chúng lại, giống như tảng đá đè ngọn cỏ, rể vẫn chưa được nhổ… Hỉ, nộ, ái, lạc vẫn đang có, dùng câu Phật hiệu này nén chúng lại cho bằng phẳng, chúng không thể khởi lên tác dụng được. Công phu như thế gọi là “công phu thành phiến”. Có công phu này quyết được Vãng Sanh.

Tất cả tinh thần, ý chí tập trung vào danh hiệu, khi không tụng kinh thì niệm Phật. Trên miệng không niệm vẫn không sao, nhớ ở trong tâm, quyết không để niệm Phật gián đoạn. Vì khi gián đoạn, vọng tưởng, chấp trước tức thì hiện tiền. Nói như vậy thì dễ, thật sự làm rất khó. Nhưng khó vẫn phải làm, không làm thì không ra được tam giới, không thoát khỏi sanh tử. Chúng ta phải cảnh tỉnh, khó vẫn phải làm. Khi niệm Phật sanh phiền não, vọng tưởng đừng sợ, không sao cả. Chỉ cố gắng siêng năng Phật hiệu niệm càng nhiều, vọng tưởng sẽ bị phục xuống, trong tâm luôn nhớ Phật hiệu thì sẽ không nhớ cái khác. Trong sinh hoạt phải cố gắng rèn luyện, luyện tập đến khi tạp niệm, vọng tưởng không thể khởi lên tác dụng, tức là công phu thành phiến. Năng lực này quyết định vãng sanh Tây Phương.

(Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật – Pháp sư Tịnh Không)


Người Niệm Phật Tâm Sanh Tử Không Thiết Tha Công Phu Không Thể Thành Một Khối

Điều cần yếu nhất trong sự tu hành là tâm tha thiết về việc luân hồi sanh tử. Tâm sanh tử không thiết tha, làm sao dám gọi là niệm Phật thành một khối? Nếu người quả vì sự luân hồi tha thiết, thì mỗi niệm như cứu lửa cháy đầu, chỉ e mất thân người, muôn kiếp khó được. Lúc ấy quyết giữ chắc câu niệm Phật, quyết đánh lui vọng tưởng, trong tất cả thời tất cả chỗ, hiệu Phật thường hiện tiền, không bị vọng tình ngăn che lôi kéo. Dùng công phu khổ thiết như thế, lâu ngày niệm sẽ thuần thục, tâm được tương ưng, tuy không khởi tâm ham cầu mà niệm lực tự nhiên sẽ thành một khối.

Ngày đêm sáu thời, chỉ đem một câu niệm Phật trấn định nơi lòng, mỗi niệm không quên, mỗi tâm không u ám. Khi ấy gác bỏ tất cả niệm đời, xem câu niệm Phật dường như tánh mạng của mình, cắn răng giữ chặt, quyết không buông bỏ. Cho đến lúc đi đứng ngồi nằm, uống ăn làm việc, câu niệm Phật đây vẫn thường hiển hiện. Nếu gặp cảnh duyên phiền não, tâm không yên, chỉ nên chuyên niệm Phật, phiền não liền tự tan mất. Bởi phiền não là cội gốc luân hồi, niệm Phật là thuyền vượt qua biển khổ sanh tử, muốn thoát sanh tử chỉ đem câu niệm Phật phá tan phiền não, đó là phương pháp đơn giản mà rất hiệu nghiệm vậy.

Hám Sơn Đại Sư


Vì Sao Niệm Phật Mà Tâm Chẳng Được Quy Nhất?

Niệm Phật điều cần yếu là thường xuyên đặt mình vào trường hợp sắp chết, sắp đọa địa ngục thời không khẩn thiết cũng tự khẩn thiết. Dùng tâm sợ khổ để niệm Phật, ấy là “xuất khổ diệu pháp đệ nhất” cũng là “tùy duyên tiêu nghiệp diệu pháp đệ nhất”. Tâm niệm Phật sở dĩ chẳng qui nhất là do lỗi của tâm đối với sự sanh tử chẳng tha thiết.

Khởi tâm niệm Phật cực kỳ quan trọng ở chỗ, phải tha thiết mong cầu liễu sanh thoát tử. Đã tha thiết giải quyết sanh tử, thì đối với sự khổ sanh tử tự sanh tâm nhàm chán; đối với sự vui ở Cực Lạc tự sanh tâm ưa thích. Như thế thì trong hai điều Tín và Nguyện ngay nơi một niệm đã đầy đủ; lại thêm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ mà chuyên cần niệm Phật, thì sức Phật, sức Pháp, sức công đức Tín, Nguyện, ba pháp đều đầy đủ rõ ràng giống như mặt trời giữa hư không, dù có tuyết sương từng lớp dày đặc chẳng bao lâu cũng tự tan rã.

Nếu thường nghĩ sắp bị nước cuốn trôi, lửa thiêu cháy, khó thể cứu vớt và tưởng sắp chết, sắp đọa địa ngục thời tâm tự quyết liệt, tâm tự quy nhất, ngoài pháp “trì danh niệm Phật” ắt sẽ không cầu đến diệu pháp nào nữa cả. Thế nên trong Kinh thường nói “Nhớ khổ địa ngục, phát Bồ đề tâm”. Đây là lời khai thị tối thiết yếu của đức Đại Giác Thế Tôn. Tiếc vì người đời không chịu suy nghĩ điều này. Xét kỹ sự khổ ở địa ngục khổ hơn vô lượng vô biên lần so với sự khổ của nước trôi lửa cháy ở thế gian. Trong khi nghĩ đến sự khổ nước trôi lửa cháy ở thế gian thì sanh tâm vô cùng sợ hãi, thế nhưng khi nghĩ đến nỗi khổ ở địa ngục lại lơ là cho rằng không thiết thực. Ấy là suy nghĩ cạn cợt của hầu hết chúng sanh thời mạt pháp!

Phương pháp “trì danh niệm Phật” rất mau công hiệu, đó là “nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau”. Pháp nhiếp cả sáu căn đó là: Khi niệm Phật, tâm chuyên chú nơi danh hiệu Phật, tức nhiếp Ý căn; miệng không tạp thoại mà phải niệm Phật cho rõ ràng tức nhiếp Thiệt căn; tai nghe rành rẽ danh hiệu Phật do mình niệm tức nhiếp Nhĩ căn; mắt phải khép lại, không nên mở to tức nhiếp Nhãn căn; mũi cũng không ngửi mùi khác tức nhiếp Tỹ căn; thân nghiêm trang cung kính tức nhiếp Thân căn. Sáu căn đã nhiếp nên tâm không tán loạn, không vọng niệm. Sáu căn nếu chẳng nhiếp thì tuy có niệm Phật nhưng trong tâm vọng tưởng lăng xăng, như thế khó được lợi ích thiết thực. Nếu thường hay nhiếp sáu căn mà niệm Phật, đó gọi là “tịnh niệm nối nhau”. Thường xuyên giữ được “tịnh niệm nối nhau” thì “nhứt tâm bất loạn” cùng “Niệm Phật Tam Muội” lần lần có thể chứng đắc vậy.

Trì danh Niệm Phật mà tâm chẳng qui nhứt, cần phải nhiếp tâm tha thiết mà niệm, thì mới có thể quy nhứt. Pháp nhiếp tâm không gì hơn là “chí thành khẩn thiết”. Nếu tâm chẳng chí thành mà muốn nhiếp thì không thể được. Đã nhiếp tâm rồi mà chưa thuần nhất thì cần phải lắng tai mà nghe cho thật kỹ tiếng niệm Phật. Không luận là niệm ra tiếng hay niệm thầm, tất cả đều phải “niệm niệm từ tâm khởi, tiếng phát ra nơi miệng, rồi tiếng niệm lại vào tai”. Tâm và miệng niệm được rành rẽ, tai nghe cũng rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm như vậy thì vọng niệm tự dứt.

“Niệm Phật thành khẩn cung kính”. Lời này thế gian ai cũng biết nhưng lý này thế gian không ai rõ. Tôi (Ấn Quang Đại sư) vì muốn tiêu tội chướng, muốn báo ân Phật, nên thường “chí thành cung kính niệm Phật”. Đây thật là bí quyết nhiệm mầu để siêu phàm nhập Thánh, liễu sanh thoát tử, nên đối với người có duyên tôi thường hay khuyên nhắc vậy.

Ấn Quang Đại sư

3 responses to this post.

  1. Niệm Phật Cầu Nhất Tâm Bất Loạn Sẽ Bị Trở Ngại

    Khi đưa ra một chương trình tu tập để “Nhất tâm bất loạn” thì đối với những người căn cơ cao, chư đại Bồ-Tát là chuyện bình thường không có gì lo sợ, nhưng mà lo sợ cho những người căn tánh hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng. Người căn cơ cao, tâm đã định, thì “Nhất tâm bất loạn” đối với họ là chuyện đương nhiên. Còn những người căn tánh hạ liệt mà nói về “Nhất tâm bất loạn” thì gọi là không “Khế cơ”, có thể đưa đến chỗ chướng ngại! Chính vì vậy, những chương trình “Nhất tâm bất loạn”, ít khi người ta phổ biến rộng rãi, mà thường thường chỉ phổ biến nội bộ, nội bộ trong những người căn cơ cao, vì khi đã “Nhất tâm bất loạn” thì chỉ nhìn là họ đã biết rồi.

    “Nhất tâm bất loạn” là “Chứng đắc”. Khi đã chứng đắc rồi thì không còn gì có thể ngăn ngại đối với họ nữa. Cho nên chỉ nhìn nhau là người ta biết, chứ không phải cần khoe ra, nói ra, hay là mình diễn tả những cái đó mới chứng tỏ mình đã “Nhất tâm bất loạn” hay “Chứng đắc” đâu.

    Hôm trước có người đã báo cho tôi biết rằng, có một người viết một bài báo đăng lên với bút hiệu là Diệu Âm, diễn tả cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”. Năm ngoái tôi cũng có nghe một lần, năm ngoái hay năm kia gì đó (?), rồi năm nay lại nghe một lần nữa. Tôi mới vội vã viết lên một thông báo là: “Chớ nên hiểu lầm!”. Trong đó tôi xác định rõ rệt là người viết đó không phải là tôi. Có thể là một người trùng bút hiệu hay trùng pháp danh gì đó viết lên như vậy, chứ còn chính tôi là Diệu Âm đây không có được cái cảnh giới nhất tâm bất loạn.

    Ta thực sự lo sợ cho những người không có khả năng nhất tâm bất loạn mà tham vào cái danh nhất tâm bất loạn, nó dễ đi vượt qua cái đà của họ mà thường thường sau cùng bị trở ngại! Ta tu hành ở đây ráng cố gắng chuyên cần tinh tấn, khi ta được nhất tâm bất loạn thì mừng, người nào được thì mừng cho người đó. Nhưng mà đưa ra một chương trình, hay một thời hạn, hay là một cái quy tắc nào đó để cho nhất tâm bất loạn thì nhất định sẽ bị trở ngại! Tại vì nhất tâm bất loạn là cảnh chứng đắc, nó không có một cái quy tắc nào giống như hai với hai là bốn, theo đó ta cứ cộng lại nó thành bốn. Không phải!

    Trong kinh A-Di-Đà, Phật có nói là từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, thì người căn cơ cao người ta niệm Phật một ngày có thể nhất tâm bất loạn, người căn cơ thấp thấp một chút niệm bảy ngày có thể nhất tâm bất loạn. Nhưng thực ra cái “Nhất tâm bất loạn” này, theo như Hòa Thượng nói là A-Di-Đà Phật gia trì trong lúc chúng ta xả bỏ báo thân. Đây là sau khi Phật gia trì rồi.

    Chứ đúng ra trong kinh A-Di-Đà của ngài Huyền-Trang dùng pháp trực dịch, nghĩa là dịch sát nghĩa từng chữ từng chữ là “Nhất tâm hệ niệm”, tức là chúng ta cứ chuyên lòng một câu A-Di-Đà Phật, niệm cho tới cùng, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ là “Nhất hướng chuyên niệm”, hai danh từ giống nhau. Còn nhất tâm bất loạn chính là cái lòng chân thành chí thành chí kính của mình niệm Phật, thì được Phật phóng quang gia trì nâng đỡ cho chúng ta, lúc đó chúng ta chỉ còn một câu A-Di-Đà Phật, nhờ đó mà ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

    Cho nên câu hỏi này rất là hay. Khi chúng ta tu hành như thế này phải có sự khiêm nhường tối đa, để tránh tình trạng vượt qua khả năng của chính mình thì mới an toàn được. Nếu chúng ta sơ ý, nhất là những người ưa nghiên cứu, khi nghiên cứu thì thường thường gặp những kiểu nói ở những cảnh giới cao quá. Họ quên rằng, khi đưa rộng ra, thì trong xã hội có rất nhiều hạng người, có những người căn cơ cao thì hiểu được (?). Có những người căn cơ không cao, nghe những lời đó sẽ dễ sinh ra vọng tưởng. Cái vọng tưởng này sẽ thâm nhập, thâm nhập vô trong tâm của họ, đến một lúc nào đó, người ta không biết đó là vọng tưởng! Chuyện này là sự thật!…

    Ngài Hạ-Liên-Cư nói: “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn”. Có nhiều người than phiền rằng, tôi niệm Phật mà sao cứ vọng tưởng hoài, không bao giờ hết vọng tưởng. Thì Ngài lại nói: “Niệm Phật không được cầu cho hết vọng tưởng”. Lạ lắm! Rồi Ngài nói: “Niệm Phật để cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”. Đem ý này so sánh với lời giải của ngài Tịnh-Không, Ngài nói rằng, niệm Phật, một lòng niệm Phật, đến lúc lâm chung A-Di-Đà Phật gia trì chúng ta được “Nhất tâm bất loạn”. Thì lời nói của ngài Hạ-Liên-Cư cũng giống như vậy… “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn, niệm Phật không được cầu hết vọng tưởng”. Vọng tưởng sao cũng kệ nó, cứ cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đi, khi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì không nhất tâm bất loạn cũng được nhất tâm bất loạn. Hai câu nói có ý nghĩa tương đồng với nhau.

    Cho nên khi có những người đưa ra cái chương trình này, chương trình nọ để đại chúng làm theo cho “Nhất tâm bất loạn”. Nếu suy nghĩ cho thật kỹ thì đây đúng là một sự sơ suất! Tại sao? Ví dụ như, ngài Tuyên-Hóa, Ngài gặp Hòa Thượng Quảng-Khâm là hai vị Đại-Tôn-Sư thời đại, hai người gặp nhau, ngài Quảng-Khâm giơ tay lên: “Như Thị”, Ngài nói như thị thôi. Ngài Tuyên-Hóa cũng giơ tay lên: “Như Thị”. Các Ngài lặng lẽ không nói gì nữa cả. Các Ngài đã biết hết trơn rồi, chứ đâu có nói là tôi thì chứng như thế này, chứng như thế nọ, thì tôi mới nhất tâm bất loạn đâu? Tôi mới minh tâm kiến tánh đâu? Các Ngài thấy hết trơn rồi…

    Đại Sư Vĩnh-Minh đời nhà Tống, Ngài gặp một vị Hòa Thượng tai dài, ăn mặc xốc xếch, thật ra vị Hòa Thượng đó là Định-Quang Cổ-Phật tái lai trong thời đó. Hai Ngài gặp nhau làm thinh không nói gì hết. Một ông thì xồng xộc lên ngồi hàng ghế trên. Khi mãn tiệc về rồi, nhà vua hỏi, hôm nay ta cúng dường trai tăng có vị Thánh Nhân nào đến không? Thì ngài Vĩnh-Minh mới thố lộ:

    – Thưa có.
    – Ai vậy?
    – Cái ông già mà lếch sếch đó, ngồi ở trước đó. Đó là Định-Quang Cổ-Phật tái lai.

    Các Ngài biết hết trơn rồi. Không bao giờ nói ra hết. Chính vì vậy mà ta muốn cho “Nhất tâm bất loạn”, không có cái gì khác hết hơn là chư vị “Thành Tâm-Chí Thành-Chí Kính”, những gì mà trước nay chúng ta đã nói ra, chính là để cho chúng ta được vãng sanh về Tây Phương. Khi vãng sanh về Tây Phương thì…

    – Không nhất tâm cũng nhất tâm.
    – Không chứng đắc cũng chứng đắc.
    – Không khai ngộ cũng khai ngộ.

    Đâu cần lo gì đến chuyện như bây giờ chúng ta phải bàn luận là nhất tâm hay nhị tâm…

    Cứ một lòng niệm Phật Tín-Hạnh-Nguyện nhất định như ba cái chân vạc vững vàng. Tín thì quyết lòng không nghi. Những người nào mà nghi, thì cái Tín đó nó đã quẹo lại rồi! Cũng giống như chân vạc, ba cái chân vạc, một cái chân Tín bị quẹo, thì cái vạc nó sẽ ngã ầm xuống liền. Không được! Không nghi là không nghi! Nhiều người cứ ưa nghi lắm… Nghi là chết! Nghi là tiêu! Nghi thì tu năm chục năm coi chừng không được vãng sanh! Mà không nghi thì tu ba ngày thôi, vãng sanh…

    Có những người tu rất lâu mà vì mối nghi này không phá được. Không phá được nên sau cùng mất vãng sanh. Từ mối nghi này nó phá hết tất cả những cái khác. Vì nghi nên tu hoài tu hoài mà thiện căn không lên. Thiện căn không lên thì phước đức không có. Phước đức không có thì trong lúc đó nghiệp chướng cứ tràn… tràn… tràn lên. Một năm có 365 ngày, ta có hết 300 ngày giúp cho nghiệp chướng tăng trưởng rồi. Còn lại 65 ngày tu, thì một ngày tu chỉ có một giờ. Nghĩa là 65 ngày tu hành, thì có tới hơn 60 ngày để tăng trưởng cái nghiệp nữa rồi, còn cái phước chỉ có chưa tới 5 ngày. Năm ngày làm sao địch được với 360 ngày? Chính vì vậy mà sau cùng ta bị trở ngại! Cho nên phải tin cho vững.

    Phật nói: “Một câu A-Di-Đà Phật niệm, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh ta thề không thành Phật”. Cứ quyết tâm niệm Phật để lúc nằm xuống nhất định ta niệm cho được mười câu A-Di-Đà Phật. Phải quyết lòng niệm cho được. Nếu không quyết tâm bây giờ, nhất định lúc đó một niệm ta niệm cũng không vô. Chắc chắn! Tại vì bây giờ còn tỉnh táo như thế này mà không tin, thì lúc đó làm sao mà mình tin? Mà không tin thì phước đức không có. Phước đức không có thì nghiệp chướng tăng. Về nghiệp chướng, hôm trước mình nói rồi, trong nghiệp chướng nó có oan gia trái chủ chướng, hai cái đó nó sẽ tấn công mình đến nỗi không còn một niềm tin nào có thể khởi lên, thì bây giờ có một ngàn người tới hộ niệm cho chúng ta, chúng ta cũng chìm trong cảnh giới đó mà đi đọa lạc. Cho nên quyết lòng không được “Nghi”.

    “Nguyện vãng sanh”. Nguyện vãng sanh thì phải tập buông xả thế gian ra, đây là lời Hòa Thượng Tịnh-Không nói. Ngài không dạy chúng ta là phải quyết lòng nhất tâm bất loạn, mà phải quyết lòng buông xả. Tại vì buông xả thế gian ra thì chúng ta bám chặt vào Tây Phương Cực Lạc, về Tây Phương Cực Lạc thì không nhất tâm cũng nhất tâm. Nói đi nói lại, thực ra các Ngài giảng giống hệt với nhau, mà chỉ là cách nói khác thôi, chứ không có gì hết.

    “Hạnh”. Hạnh là niệm câu A-Di-Đà Phật. Tranh thủ niệm câu A-Di-Đà Phật. Mình thấy một sự chứng minh cụ thể là hôm trước, một bà Cụ tuần trước đó thì con cái dẫn bà tới đây để nhờ mình hộ niệm. Mình dặn rõ ràng, mình năn nỉ bà Cụ:

    – Bác ơi! Bác về cố gắng niệm mỗi ngày: sáng năm chuỗi, trưa năm chuỗi, chiều năm chuỗi…

    Mười lăm chuỗi thì mới có một ngàn rưỡi chứ mấy đâu à. Ấy thế mà suốt trong mười ngày sau không niệm một chữ. Rõ ràng không niệm một chữ!…

    Bây giờ không niệm, lúc đó làm sao niệm? Bây giờ mình khỏe ru thế này mà không tập niệm, làm sao lúc mình nằm xuống mà niệm đuợc? Lúc mình nằm xuống thì cái lưỡi mình đã đớ rồi, hay gọi là cấm khẩu đó. Niệm Phật mà những người bị trúng gió, á khẩu không được vãng sanh. Trúng gió tức là các cơ của mình đã bị đớ rồi niệm Phật không được. Có nhiều người còn cẩu thả như thế này nữa chứ!…

    – Cái miệng tôi niệm không được mà cái tâm tôi niệm được.

    Đâu có được! Những sợi dây thần kinh nó đã liệt rồi, đến nổi nó điều khiển cái lưỡi không được làm sao nó điều khiển cái tâm? Thì tất cả những cái đó nó chìm trong sự mê man bất tỉnh không biết gì nữa cả. Còn tâm nào đâu nữa mà niệm?

    Xin đừng có cẩu thả chuyện này. Phải tập niệm ngay từ bây giờ. Cho nên tôi thấy công cứ nó hay vô cùng. Quý vị niệm mà không lập công cứ… mình thì cứ tưởng niệm giỏi, nhưng hãy mở cái công cứ ra mà ghi thử coi? Trời ơi!… Sao mà trống rỗng thế này nè! Một ngày mình niệm chưa đến một ngàn câu Phật hiệu. Một ngàn câu Phật hiệu thì làm sao điền xong được một tờ công cứ đó? Thấy thế mới giựt mình! Thôi thôi! Ngày mai tôi sẽ ráng niệm hai ngàn, ba ngàn. Công phu tự nhiên tăng lên. Tăng lên như vậy thì tự nhiên một tháng sau ta tô tràm tờ công cứ đó. Điều này chứng tỏ là công phu niệm Phật của mình đã tăng lên.

    Có bắt đầu đi thì tự nhiên thành công đến. Không chịu bắt đầu đi, thì cứ đứng yên tại chỗ. Dòng đời lúc nào cũng tiến, mình đứng lại tức là lùi. Đạo pháp cũng vậy, lúc nào cũng phải tiến, nếu không tiến thì lùi. Nhất định đây là cái quy luật của pháp giới.

    Chính vì vậy, muốn cuối cùng mình niệm được câu A-Di-Đà Phật, thì phải tập sự ngay từ bây giờ. Đừng nghĩ tới chuyện “Nhất tâm bất loạn” làm chi. Hãy nghĩ tới chuyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nhất định nếu chúng ta hạ quyết tâm từ bây giờ thì chắc chắn con đường vãng sanh không thể nào A-Di-Đà Phật bỏ rơi ta được…

    Tại vì ta lơ là, bỏ rơi con đường vãng sanh, nên dù Ngài thương chúng sanh tới đâu mà cũng không cứu được là như vậy đó!…

    Nam Mô A-Di-Đà Phật.

    Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

  2. Tin Sâu Nguyện Thiết Tán Loạn Niệm Phật Cũng Được Vãng Sanh

    Muốn nhanh chóng thoát khỏi nỗi khổ luân hồi, không gì bằng trì danh niệm thánh hiệu A Di Đà Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Muốn chắc chắn vãng sanh cõi Cực Lạc, không gì bằng lấy lòng tin làm người dẫn đường phía trước, sự phát nguyện làm người thúc đẩy ở sau. Tin sâu, nguyện tha thiết, dù tâm tán loạn niệm Phật cũng được vãng sanh. Tin không chân thật, nguyện không mạnh mẽ, dù nhất tâm không loạn cũng chẳng được vãng sanh.
    Sao gọi là Tin?
    1. Tin nguyện lực của Phật A Di Đà.
    2. Tin lời dạy của Phật Thích Ca.
    3. Tin lời khen ngợi của chư Phật trong sáu phương.

    Không tin những điều ấy, thật không thể cứu độ. Cho nên, trước phải tin sâu đừng sinh khởi nghi hoặc.

    Sao gọi là Nguyện?

    Lúc nào cũng chán nản nỗi khổ sinh tử nơi Ta Bà, ưa thích niềm vui giác ngộ nơi Tịnh Độ. Có làm việc gì, hoặc thiện hoặc ác, thiện thì hồi hướng cầu vãng sanh, ác thì sám hối nguyện cầu vãng sanh, hoàn toàn không có hai chí hướng. Đó là Nguyện.

    Tín–Nguyện đã đầy đủ thì niệm A Di Đà Phật mới là chánh hạnh, sửa ác làm lành đều là trợ hạnh. Tùy công phu sâu cạn phân ra chín phẩm bốn cõi, chẳng lạm mảy may, chỉ cần chính mình kiểm xét, chẳng cần hỏi han kẻ khác.

    Người tin sâu, nguyện thiết, niệm A Di Đà Phật, nhưng khi niệm Phật tâm còn nhiều tán loạn, chỉ được sanh về Hạ phẩm Hạ sanh. Tâm loạn dần ít, được sanh về Hạ phẩm Trung sanh. Không còn tán loạn, được sanh về Hạ phẩm Thượng sanh.

    Niệm đến Sự nhất tâm không loạn, chẳng khởi tham sân si, được sanh về ba phẩm Trung. Niệm đến Sự nhất tâm không loạn, tự nhiên trước đoạn kiến tư trần sa hoặc, cũng có thể hàng phục và đoạn trừ vô minh, được sinh về ba phẩm Thượng.

    Thế nên, Tín–Nguyện–Trì danh niệm A Di Đà Phật có thể trải qua chín phẩm, xác thật không sai lầm. Hơn nữa, người Tín–Nguyện–Trì danh tiêu trừ hàng phục nghiệp chướng, còn lậu hoặc được vãng sanh thì ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Đoạn sạch kiến tư hoặc mà vãng sanh thì ở cõi Phương Tiện Hữu Dư. Phá tan một phần vô minh mà vãng sanh thì ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Trì niệm đến chỗ cứu cánh, đoạn sạch vô minh mà vãng sanh thì ở cõi Thường Tịch Quang.

    Thế nên, Trì danh có thể làm thanh tịnh bốn cõi, cũng là điều xác thực không sai lầm.

    Trích lời dạy của Đại Sư Ngẫu Ích từ “Linh Phong Tông Luận”
    trong cuốn “Niệm Phật Chỉ Nam” do Thầy Thích Minh Thành biên dịch.

  3. Hai Điều Kiện Cần Có Để Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc

    Có một vị đồng tu mới học Phật chưa bao lâu nhìn thấy những người đã tu lâu năm, niệm Phật mấy chục năm cũng chưa vãng sanh, hỏi họ có nắm chắc mình sẽ vãng sanh hay không? Họ lắc đầu, cho nên vị đồng tu sơ học này mới thắc mắc và hỏi lão hòa thượng: “Mỗi ngày niệm Phật tại Niệm Phật Đường, thậm chí mỗi ngày niệm Phật suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, người như vậy có thể vãng sanh hay không?”

    Lão hòa thượng trả lời: “Tôi không thể nói người đó không vãng sanh. Tôi cũng không thể nói người đó có thể vãng sanh”.

    Nguyên nhân là gì? Vì vãng sanh cần phải có hai điều kiện.

    Điều kiện thứ nhất là: lòng tin phải chân thật, tâm nguyện phải thiết tha, đó gọi là “chân tín, thiết nguyện”.

    Điều kiện thứ hai là: “Buông xuống vạn duyên”.

    Đầy đủ hai điều kiện này chắc chắn được vãng sanh! Thiếu một trong hai điều kiện này chưa chắc vãng sanh được.

    Tuy chúng ta có lòng tin chân thật, tâm nguyện thiết tha muốn vãng sanh, nhưng trên thế gian này vẫn còn nhiều chuyện vướng mắc trong lòng, chưa buông xuống được, vậy thì không thể vãng sanh. Cho nên chúng ta phải buông xuống! Người xưa nói “tin sâu, nguyện thiết”, đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh nghĩa là nói rõ đã buông xuống hết rồi, như vậy thì mới được. Nhưng đối với con người hiện thời, nhất định phải giải thích rườm rà thêm một chút, nói rõ thêm vài câu: Nếu chúng ta đối với thế gian này còn lưu luyến, còn vương vấn, còn dính mắc, còn ân oán, thí dụ như: “Có người nào đó đối với tôi có ân, tôi còn chưa báo đáp. Người kia có thù hằn với tôi, tôi chưa trả thù”, như vậy thì có vãng sanh được hay không? Không lẽ A Di Đà Phật sẽ đợi chúng ta đền ơn, báo thù xong rồi mới trở lại tiếp dẫn chúng ta hay sao, lẽ nào như vậy? Vì thế nhất định phải buông xuống hết những thứ thị phi, nhân ngã, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, trong tâm phải trống rỗng, mảy trần chẳng nhiễm. Sau đó, đầy đủ lòng tin chân thật, tâm nguyện thiết tha, người như vậy nhất định vãng sanh. Niệm Phật nhiều hay ít không thành vấn đề.

    Nếu chúng ta không buông xuống được, lòng tin không chân thật, tâm nguyện vãng sanh không thiết tha, dù mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, cũng là như người xưa nói “hét bể cổ họng cũng luống công vô ích”, không phải đã nói quá rõ ràng rồi sao? Người như vậy không thể nào vãng sanh.

    Đức Thế Tôn trong kinh điển đã cảnh cáo chúng ta: “tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là năm gốc rễ của địa ngục”, nếu phạm một trong năm thứ này chúng ta sẽ không thể nào vãng sanh được. Nếu năm thứ này trọn đủ không sót một thứ nào, dù A Di Đà Phật muốn kéo cũng kéo không nổi, chúng ta còn có thể vãng sanh hay sao? Do vậy chúng ta nhất định phải chặt đứt những gốc rễ này, chướng ngại vãng sanh của chúng ta sẽ không còn nữa.

    Trích từ sách Nhìn Thấu Là Trí Tuệ Chân Thật
    Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
    Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
    Như Hòa nhuận văn

Đã đóng bình luận.