Người Chết Sống Lại Kể Về Thế Giới Cực Lạc

Vào đời nhà Tống, ba cha con của Ngụy Thế Tử cùng với một quận chúa đều tu theo Tịnh độ, trừ ra phu nhân là còn ăn mặn, chưa chịu tu. Một hôm bỗng dưng quận chúa đột nhiên qua đời. Sau khi liệm xong, quàn lại bảy ngày bổng nghe tiếng kêu từ trong quan tài:” Ngộp lắm!“. Cả nhà mừng lắm liền mở nắp quan tài ra. Ngay trong lúc ấy trên không trung bỗng dưng trổi lên tiếng nhạc du dương trầm bỗng vi diệu. Quận chúa bước ra thưa với mẹ rằng:

Thưa mẹ, nước Cực Lạc rất là vui. Trong ao Thất Bảo có nhiều hoa sen, lớn gần bằng bánh xe, ngoài cánh sen, có cái thì nêu tên cha, hai hoa kia còn có tên hai anh nữa. Con tìm khắp nơi mà không thấy hoa nào có tên của mẹ nên con xin phép Đức Phật A Di Đà cho con về đây để báo tin và khuyên mẹ mau tu Tịnh Độ. Nếu mẹ phát tâm niệm Phật thì sẽ có một hoa sen mọc lên nơi ao Thất Bảo dành cho mẹ cũng giống như của cha, của hai anh và của con vậy. Phật sẽ mang tòa sen ấy rước mẹ về cho Liên hoa hóa thân, ở cung đền rất cao. Muốn mặc y phục gì thời có hiện tới. Muốn ăn vật chi đều có món đó, đựng trong bát thất bảo hiện tới trước mặt, dùng xong bát liền biến mất khỏi cần phải rửa. Muốn nghe nhạc chi thì nhạc ấy liền vào tai, bằng không muốn nghe thì nhạc liền dứt. Mỗi người đều có hào quang, muốn dùng một hương nào liền có mùi hương nấy. Được dạo xem nhiều thứ hoa thơm. Muốn ăn trái cây chi liền hiện tới không cần phải hái. Phong cảnh xinh đẹp hơn thế gian gấp vạn lần. Vả lại không có Nhật Nguyệt Tinh Tú, chỉ có hào quang sáng hơn ban ngày thập bội. Có bảy thứ chim tốt lạ với năm sắc lông, tiếng hót êm ái như tiếng kệ kinh. Lại mát mẻ như mùa xuân, không có mùa nóng và mùa lạnh. Học đặng lục thông, thành bậc La Hán, tự do đi dạo trên khắp mười phương. Tòa sen bay nhanh như chớp mắt nên con đi về đây thoảng như khảy móng tay đã tới. Việc ở Cực Lạc vui sướng vô cùng, không sao kể hết. Xin mẹ hãy gắng tu, sau khi lâm chung, Phật sẽ rước mẹ về đó, lúc ấy mẹ sẽ thấy mọi điều. Con không dám trễ phép, cúi xin bái tạ cha mẹ để con lên tòa sen về nước Cực lạc.

Quận chúa bái tạ xong rồi bước vô quan tài mà nhắm mắt. Hương sen thơm ngát, hào quang chiếu sáng xẹt về hướng Tây, tiếng nhạc trên không cũng trỗi lần về phương ấy.

Từ đó phu nhân mới chịu trường chay và tu theo Tịnh Độ, lại tinh tấn niệm Phật hơn cả chồng con. Sau này mỗi người lâm chung đều biết trước ngày giờ. Đến ngày liễu đạo, phu nhân ngồi xoay mặt hướng về Tây, niệm Phật chưa đủ mười câu đã nghe tiếng nhạc trên không trung, lại thấy Phật rước mình đông lắm. Liền khi ấy, bà xuất hồn về cùng với Phật. Bốn người lâm chung như vậy thật là cả nhà có phước, sống hưởng lộc, thác được vãng sanh. Nam Mô A Di Đà Phật!

One response to this post.

  1. Vãng Sanh Đã 3 Ngày Sống Lại Kể Về Thế Giới Cực Lạc

    Pháp sư Khả Cứu đời Tống. Sư thường niệm kinh Pháp Hoa cầu sanh Tịnh Độ. Trong chương Tam Bối Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, đoạn thứ tư có nói: Hễ ai tu học hết thảy pháp Đại Thừa, hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì A Di Đà Phật cũng đến tiếp dẫn giống hệt [như người chuyên tu Tịnh Độ]. Đủ thấy pháp môn này bao dung hết sức rộng lớn. Pháp sư Khả Cứu ngồi vãng sanh, mất đã ba ngày, sống lại, bảo các đồng tu: “Tôi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, trông thấy tình hình hoàn toàn giống như kinh đã dạy”. Ngài lại nói những ai tu Tịnh Độ trong cõi đời, hoa sen trong ao bảy báu ở Tây Phương đều có ghi tên. Người Thượng Phẩm vãng sanh là lão hòa thượng của Quảng Giáo Viện tại Thần Châu. Khi ấy, lão hòa thượng còn chưa vãng sanh. Ngoài ra, còn có Tôn Thập Nhị Lang ở Minh Châu và chính sư Khả Cứu đều là đài vàng. Kém hơn là đài bạc, người chứng được đài bạc là Từ đạo cô. Pháp sư Khả Cứu thuật tình hình đã thấy cho mọi người nghe rồi lại vãng sanh. Sau này, Tôn Thập Nhị Lang lâm chung, nhạc trời vang rền hư không; khi Từ đạo cô lâm chung, có mùi hương lạ ngập thất không tan.

    Pháp sư Hoài Ngọc, khi lâm chung, thấy A Di Đà Phật cầm đài bạc đến đón, Sư nghĩ ta bình sinh công phu rất đắc lực, cớ sao chỉ được đài bạc, tợ hồ chẳng cam lòng. Ý niệm vừa khởi, chẳng thấy A Di Đà Phật nữa. Sư lại dốc hết tánh mạng niệm Phật bảy ngày bảy đêm không ngớt, A Di Đà Phật lại hiện, cầm đài vàng tiếp dẫn.

    Trong thế gian, người tu pháp môn Tịnh Độ chân tâm niệm Phật cầu vãng sanh, hoa sen của người ấy bèn sáng ngời, rực rỡ chóa mắt. Nếu giải đãi, biếng nhác, hoa liền khô héo. Đổi dạ chuyển sang tu pháp môn khác, hoa liền chết khô. Hết thảy sự vật trong Tây Phương đều chẳng sanh diệt, chỉ có hoa sen trong ao bảy báu là có sanh, có diệt. Sự tươi, khô, sanh, diệt ấy do hành nhân cảm thành, chứ không liên quan gì tới A Di Đà Phật.

    Khi niệm Phật, tâm tánh năng niệm chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phải dùng chân tâm, đừng dùng vọng tâm. Niệm Phật bằng chân tâm thì xử thế đãi người tiếp vật cũng phải dùng chân tâm. Niệm niệm cầu sanh về Tịnh Độ, khi còn sống trên đời thì hết thảy thuận theo tự nhiên, chớ nên cưỡng cầu. Một câu Phật hiệu đầy đủ viên mãn Tam Học, Tam Huệ, và ba món tư lương, mà cũng đầy đủ viên mãn vô lượng hạnh môn, nhất tâm chấp trì sẽ có thể viên siêu, viên đốn.

    Trích Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký Phần 9
    Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
    Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
    Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Đã đóng bình luận.