Từ Cực Lạc Trở Về Khuyến Tấn Bạn Đồng Tu

Ông Lục Sĩ Thuyên người Tô Châu, nhơn dự lễ Lương Hoàng Sám để cầu cho bạn lành bệnh, mà ông phát tâm tu Phật. Ông qua Thiên Ninh am thọ Bồ Tát giới. Vừa gặp lúc Tịch Căn Bồ Tát từ Cực Lạc đến giáng thần nơi Ngọc Đàn giảng dạy pháp môn niệm Phật, khuyên người phải nghĩ đến luân hồi sanh tử nhứt tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới. Bồ Tát thuyết pháp được 11 hội. Do đó những người dự hội mới bắt đầu biết hồi hướng Tịnh Độ. Ông Sĩ Thuyên cũng chuyên tâm quán tưởng cùng tụng Kinh Phổ Hiền. Ông trường trai được hai năm, kế mang bệnh, kém ăn, ông bèn khai giới thực nhục (tức là ăn mặn). Bệnh càng ngày thêm nặng, tự biết sắp chết, ong rất ăn năn hổ thẹn, liền dứt hẳn cá thịt, miệng không ngớt niệm A Di Đà Phật. Ông căn dặn người con gái của ông phải ăn chay niệm Phật, khi ông mất không được khóc than. Bảy ngày sau, bệnh làm xung. Mắt ông ngó lên trên không như có thấy những chi, miệng thời nói : “Bạch liên ! Bạch hạc ! Chư thượng thiện nhơn !”. Ông lại luôn miệng nói : “Phật ! Phật ! Phật !”. Ông trở mình nằm nghiêng phía hữu mà đi. Bỗng có mùi hương lạ thơm ngát cả nhà. Bấy giờ là ngày 18 tháng Năm, năm Càn Long thứ 52, ông được 39 tuổi.

Qua năm sau, ngày mùng một tháng Năm, ông Sĩ Thuyên giáng thần ở Ngọc Đàn bảo mọi người rằng : “Ngày trước tôi sắp phải đọa lạc. Nhờ lúc lâm chung chánh niệm kiên cố, nên may mắn được Đức Phật đến tiếp dẫn vãng sanh Tây phương.

Tất cả người đời đều có một việc rất khẩn yếu, không một ai trốn tránh được, mà phần nhiều hay quên lãng đi, các ngài có rõ cùng chăng ?

Hiện tiền đây, các ngài thân thể khỏe khoắn tinh thần khương kiện, nên các ngài nào có nghĩ đến ngày mai này sẽ phải bệnh nằm trên giường, hồn phách ly tán, không biện biệt Đông Tây, chẳng phân được Nam Bắc. Trước mắt mờ mịt, không vin níu đâu được, rồi tất phải theo nghiệp mà luân chuyển, chịu không biết bao nhiêu là sự thống khổ. Chỉ riêng nơi người lúc bình thời chuyên tu Tịnh độ, đến giờ chết tự thấy Phật đến tiếp dẫn sanh trong hoa sen báu, thọ mạng vô lượng, hưởng thuần những điều vui, chứng bậc bất thoái chuyển, một mực tấn tu thẳng đến quả Phật. Nếu các ngài có lòng muốn lập chí nơi đây, tôi sẽ cùng các ngài luận về những quan điểm cốt yếu của môn Tịnh độ. Nghĩa là tôi muốn nói đến “Tín”, “Hạnh” và “Nguyện” vậy.

Một là Lòng Tin. Tin chắc Tây phương có Cực Lạc Tịnh Độ, như phía Tây của thành này có công viên dinh thự. Cõi Ta Bà đây ở Đông phương, như xóm nhà phía Đông của thành này. Ta Bà đã là thiệt có, Cực Lạc cũng là có thiệt. Cùng đồng ở trong Giác tánh viên minh, nên chuyên tưởng nhớ thời có thể về. Cũng như đồng ở trong thành, cất bước thời từ xóm nhà phía Đông tất đến được công viên phía Tây. Đã tin chắc Tịnh Độ quyết định có thể về được, lại phải tin chắc pháp môn niệm Phật, như là tin những việc mặc áo quần cùng ăn cơm vậy. Mặc áo khỏi lạnh, ăn cơm khỏi đói, niệm Phật khỏi sanh tử. Ngày nay tin ngày mai không tin, chưa phải thiệt tin. Trọn đời mà thoạt có một niệm ngờ cũng chưa phải thiệt tin. Bắt đầu từ ngày nay mãi đến hơi thở cuối cùng, luôn luôn tin chắc không một mảy may nghi ngờ, mới là thiệt tin.

Hai là Công Hạnh. Đã tin chắc có Tây phương Tịnh Độ, đã tin chắc nơi pháp môn niệm Phật, nhưng nếu cứ nói suông khen luống, thời có ích gì đối với sự vãng sanh giải thoát ! Cho nên hễ ngày nay tin, thời y giáo phụng hành liền nội ngày nay. Ngày mai tin thời thực hành liền trong ngày mai. Rất không nên nói : Tôi bây giờ còn trẻ, thủng thẳng chờ khi lớn tuổi rồi tu cũng chưa muộn. Hãy nhìn qua trên những khoảnh đất chôn người, bao nhiêu là mồ của kẻ đầu xanh ! Bao nhiêu là mả của ai mạng ngắn ! Đâu có thể chắc rằng ta sẽ được thọ trường ! Cũng chẳng nên nói : Tôi bây giờ mắc bận lo việc nước, việc nhà, việc cha mẹ, việc vợ con, chờ đến lúc rảnh rang sẽ chuyên lo tu trì cũng chẳng muộn. Nên biết vô thường mau chóng, một mai thần chết đưa liềm vào cổ, không có thể bảo với nó chờ cho tôi rảnh việc rồi sẽ đến ! Lại có người lúc thời tu trì dũng mãnh, lúc thời giải đãi qua giờ. Phải biết rằng hàm dưỡng liên thai cần phải công phu miên mật. Như gà ấp trứng, luôn luôn cần phải cho hơi ấm tiếp tục mới có thể nở con. Nếu ngày nay ấp, ngày mai bỏ đi, tất trứng phải hư phải thối.

Ba là Chí Nguyện. Một chữ nguyện rất là khẩn yếu. Trong đời những người tin Phật niệm Phật chẳng phải là không đông, nhưng phần nhiều hoặc là cầu cho hiện đời được sang giàu sống lâu, hoặc là cầu phước thọ ở đời sau, cầu đặng thân trời thân người cho tạm khỏi khổ. Đó đều là những nguyện vọng trái với ý chỉ của Phật. Đức Phật hết lời bảo người mau ra khỏi sanh tử, mà người lại muốn vào sâu trong luân hồi. Đức Phật cặn kẽ khuyên người cầu sanh Cực Lạc, mà người lại muốn ở mãi nơi Ta Bà. Như thế thời một đời hành đạo, công phu trọn thả theo dòng. Ví như cày ruộng mà gieo hột cỏ, công nhọc thời có mà kết quả trọn không. Vì thế, nên nếu là người đã có lòng thiệt tin, phải lập tức thực hành chơn hạnh. Đã thực hành chơn hạnh, phải luôn phát chơn nguyện. Mãn đời sống thừa này, quyết định không sanh lên trời, không sanh nhơn gian, chỉ quyết định vãng sanh Tịnh Độ. Lập chơn nguyện như vậy mà niệm Phật, mới là thuận với lời dạy của Đức Phật. Mới không đến nỗi luống phí công phu, luống hao thì giờ. Các ngài nên cố gắng lấy ! Các ngài nên tinh tấn lấy !”.

Bốn năm sau, ông Sĩ Thuyên lại giáng thần một lần nữa nơi nhà ông Huỳnh Kính Phu để sách tấn chư hội hữu, lời lẽ rất thiết yếu.

Trích từ
các bộ Nhứt Hạnh Cư Tập
Tây Phương Công Cứ Thơ Chứng
Đường Về Cực Lạc – HT Thích Trí Tịnh

One response to this post.

  1. Vãng Sanh Cực Lạc Đã 4 Năm Quay Lại Ta Bà Hướng Dẫn Cách Niệm Phật

    Đào Thị tên Thiện, tự Quỳnh Lâu, người Tô Châu, vợ của ông Bành Hi Lạc, cháu của Bành Nhị Lâm cư sĩ. Thuở bé Thị rất thông minh, thi phú giỏi, sớm tối thường cùng với em gái là cô Đào Nhơn xướng họa. Không bao lâu, Đào Nhơn mang bệnh rồi chết. Kể từ đó, Thị bỏ thi phú không làm nữa. Đọc Báo Ân Kinh, Thị cảm kích nhân duyên khổ hạnh thuở tiền thân của Đức Phật. Thị bèn phát đại nguyện, nguyện chứng Vô sanh Pháp nhẫn. Thị tả Kinh Báo Ân và các Kinh Kim Cang, Di Đà… nét chữ vừa đẹp vừa ngay thẳng. Mỗi ngày, Thị siêng niệm hồng danh A Di Đà Phật. Sau khi về nhà họ Bành, hằng ngày thị cùng người nhà luận các pháp Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã. Sáng sớm là thời niệm Phật định khóa của Thị. Thị nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm v.v… các Kinh về Đại thừa được tín giải thông lợi.

    Mùa Thu năm Càn Long thứ 44, Thị làm mười bài thi họa lại mười bài “Bế Quan Thi” của Bành Nhị Lâm cư sĩ, câu câu đều chỉ quy Tịnh Độ, lời lẽ rất thâm thiết. Sang Đông, Thị cảm bệnh, tự biết không thể nào mạnh khỏe trở lại được, Thị liền niệm Phật không hở. Đầu năm sau, Thị thỉnh mẹ ruột đến để từ biệt. Rồi Thị nói : “Đại Hòa thượng đến. Tôi xin đi !”. Người nuôi bệnh hỏi : “Còn bà cụ phải làm sao ?”. Thị bảo : “Tây phương Cực Lạc tốt lắm, ngày sau tôi sẽ rước bà cụ cùng về”. Dứt lời Thị liền nhắm mắt, được 25 tuổi. Bấy giờ là ngày 25 tháng Giêng năm Càn Long thứ 45.

    Năm Càn Long thứ 49, Tây phương Đại sĩ hiệu Tịch Căn Bồ Tát giáng thần nơi Ngọc Đàn, vì các hàng đệ tử mà tuyên dương Pháp môn Tịnh độ. Một hôm Nhị Lâm cư sĩ đến thưa hỏi về chỗ sanh của những thầy bạn của ông đã quá vãng. Bồ Tát đều đáp rõ : Người thời sanh Thiên, người sanh trong nhân loại. Có bốn người được về Tịnh Độ : 1.- Hương Sơn Lão nhơn pháp danh Thiệt Định. 2.- Lữ Đình Đại sư pháp danh Tế Hội. 3.- Thệ Nguyện Đại sư pháp danh Phật An. 4.- Trầm Kính Phu cư sĩ (Trầm Bính). Hỏi đến Đào Thị, Bồ Tát nói là đã sanh về biên địa của Cực Lạc thế giới (cũng gọi là Giải Mạn Quốc). Giây lát, Đào Thị giáng thần bảo mọi người rằng : “Các ngài quy hướng Cực Lạc thế giới phải rèn tâm thần như sắt đá, ngoài không bị cảnh dục trần làm mê nhiễm, trong không để tình tưởng sai sử, đó là trong bùn lầy mà có hoa sen mọc đầy. Niệm một câu Phật thời có một quang minh, niệm nghìn câu Phật thời có nghìn quang minh. Quang minh ấy từ nơi tâm mà phát, chớ chẳng phải đặng nơi ngoài, là vì vô tướng. Đức A Di Đà Phật thường không rời các ngài. Nếu các ngài có mảy may cách ngại thời quang minh ấy không hiện được. Khi niệm Phật, tâm phải luôn luôn giác chiếu mới phát được niệm lực bất thoái. Khi niệm Phật, tiếng phải tha thiết mới phát được nguyện lực vô thượng. Tâm và tiếng dung hòa nhau, không chỗ nào chẳng hiệu Phật, không lúc nào chẳng niệm Phật, như thế mới là đắc lực. Phật hiệu vô lượng, cần phải biết trí huệ vô lượng, thần thông vô lượng, từ bi vô lượng, nhiếp thọ vô lượng. Nếu không phát vô lượng tâm, làm sao thấy được đảnh tướng của Đức Từ Phụ. Thương thay cho chúng sanh ! Lòng dục không trừ, thiện căn lấn mất, phải mau niệm Phật đi !”.

    Cách tháng sau, Nhị Lâm cư sĩ lại đến Ngọc Đàn để hỏi các việc về Đào Thị : “Được biết cô đã vãng sanh, rất tốt ! Nhưng các ông La Đài Sơn, Châu Trọng Quán, trai giới tinh nghiêm, hoằng thệ rộng lớn, mà còn phải kẹt trong vòng phước báu nhơn thiên. Còn cô, giới phẩm chưa toàn, công phu chưa thuần, mà lại được vãng sanh là sao thế ? Quang cảnh lúc cô vãng sanh ra thế nào ? Sau khi vãng sanh, sự hưởng thọ ra làm sao ? Đã được thấy Phật chưa ? Đã lên bậc bất thoái chưa ? Xin giải bày để mọi người nghe biết mà phát tâm tu hành. Đây cũng là hạp với bổn nguyện độ sanh của cô vậy”. Ngày ấy Tịch Căn Bồ Tát dạy rằng : “Tháng trước ta ở biên địa thuyết pháp rồi đến đây, nên Đào Thị nương thần lực của ta mà cùng đến. Nay ta không ghé biên địa nên Đào Thị không đến được. Bình nhật, công phu giới hạnh của Đào Thị dầu không kịp bọn ông Đài Sơn, nhưng khi lâm chung chánh niệm của Đào Thị hơn các ông ấy xa, cảm đức Quan Thế Âm Bồ Tát đến tiếp dẫn. Lúc lâm chung, Thị thấy Kim liên hoa hiện tiền mà vãng sanh. Hiện Thị ở biên địa thất bửu thế giới, ăn mặc tự nhiên. Dầu chưa được thấy Phật, nhưng mỗi ngày chư đại Bồ Tát ở Cực Lạc qua biên địa thuyết pháp hai thời. Người tinh tấn thời lần lên cửu phẩm. Người giải đãi thời hưởng thọ năm trăm tuổi. Một ngày ở biên địa bằng nơi đây 100 năm. Từ khi vãng sanh tới nay, Đào Thị tinh tấn lắm, tương lai có thể ở bậc thượng phẩm hạ sanh. Thời gian ấy nơi đây là hai nghìn năm nữa”.

    Tịch Căn Bồ Tát, thuở Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ứng thế, từng dự pháp hội Duy Ma và Vô Lượng Thọ.

    _()_
    Trích từ
    Thiện Nữ Nhơn Truyện
    Tây Phương Công Cứ Thơ Chứng
    Đường Về Cực Lạc – HT Thích Trí Tịnh

Đã đóng bình luận.