Cuối đời nhà minh, có Đại sư Tử Bách, là một trong bốn vị đại sư lỗi lạc của cuối nhà Minh, đó là : Đại sư Liên Trì, Hám Sơn và Ngẫu Ích. Một hôm, có vị tăng đến hỏi đạo. Sau khi đảnh lễ, vị ấy thỉnh Đại Sư Tử Bách khai thị.
Đại sư Tử Bách hỏi:
– Hằng ngày, ông tu pháp môn gì?
Vị tăng đáp:
– Đệ tử thuộc hạng độn căn, không thông thạo các pháp môn, chỉ niệm A Di Đà Phật mà thôi.
Đại sư hỏi:
– Ông là người tu niệm Phật, vậy lúc nằm mộng ông có niệm Phật không?
Vị tăng đáp:
– Lúc tỉnh con niệm Phật dược, còn lúc mộng thì con không nhớ đến Phật.
Đại sư đáp:
– Niệm Phật như vậy làm sao có tác dụng! Trong mộng không nhớ niệm Phật thì việc ông cầu sinh Tịnh độ cũng giống như ngàn cân treo sợi tóc, đèn treo trước gió mà thôi!
Tại sao Đại sư Tử Bách lại nói như vậy? Tại vì lúc mộng cũng như chết. Nói như vậy không được thuận tai cho lắm, nhưng sự thật là vậy. Lúc nằm mộng là chết nhỏ (chết trong một thời gian), cứ tối ngủ không làm chủ được mộng là chết nhỏ, sáng mai thức dậy sinh hoạt bình thường, quanh năm suốt tháng cứ như vậy, không có chính niệm, niệm Phật, nếu một mai vô thuờng đến (chết lớn) làm sao mà niệm Phật? Hay nói cách khác: lúc nằm mộng (chết nhỏ) còn không niệm Phật được, vậy lúc vô thường (chết lớn) lại càng không niệm được. Các bạn hãy đem lời dạy này khảo sát lại bản thân mình, xem thử mình công phu niệm Phật tới đâu, có nắm chắc được vãng sinh hay không, liền có thể biết được mà nỗ lực niệm Phật.
Nằm mộng rất nguy hiểm, bạn không nên xem thường nó. Bạn phải đặc biệt chú ý. Khi nằm mộng là lúc thức thứ sáu (ý thức) không làm chủ được “linh giác” của mình, nó luôn chạy theo cảnh mộng thì thật là nguy hiểm!
Chuyện kể rằng: núi Phổ Đà ở Nam Hải, vào đời nhà Thanh có hòa thượng Liễu Tình. Nhân duyên xuất gia của thầy rất thú vị, chính là vì nằm mộng sau đó mới xuất gia. Thầy nằm mộng như thế nào? Lúc còn tại gia, thầy là một thanh niên tin Phật, ngày nào cũng tụng một quyển kinh Kim Cang, dù bận rộn như thế nào, khuya như thế nào thầy cũng nhất định tụng cho xong rồi mới đi ngủ. Thầy tu rất tinh tấn, trong ngày có thể cơm không ăn cũng được, nhưng không thể không tụng kinh.
Một đêm nọ, lúc ngủ thầy nằm mơ thấy nhà mình có một cỗ xe (lúc bấy giờ là xe ngựa), trên xe có sáu cô gái, cô nào cũng rất là dễ thương, sắc đẹp của các cô làm cho “chim sa cá lặn”, như tiên nữ giáng trần; chính là “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Các cô tiến đến gần hỏi: “Chàng ơi! Đến đây! Chàng ơi đến đây! Trên xe còn rất rộng, chúng thiếp có để cho chàng một chỗ này!”. Hòa thượng Liễu Tình lúc ấy là một thanh niên, cũng giống bao nhiêu người thanh niên khác, khó mà thắng nổi với những nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, cộng thêm với những lời mời ngọt như đường và những nụ cười “chết người”… cậu ta cảm thấy thú vị liền lên ngồi. Xe đi được một lúc thì dừng lại, sáu cô gái bước xuống, cậu cũng bước xuống. Cậu thấy phía trước có một cái cửa, nhưng cửa rất nhỏ. Sau khi sáu cô gái vào trong, cậu cũng có ý định vào theo. Nhưng rất lạ, sáu cô gái không đi mà bò vào, cậu cùng làm y như họ. Sau khi họ bò vào xong, đến lượt cậu, cậu thấy một vị thần Kim Cang, giống như Bồ tát Vi Đà tay cầm chày Kim Cang, vừa thấy cậu liền cản lại: “Ông không được vào đây ra mau, ra mau!”. Nhưng cậu cứ một mực đi vào, thần Kim Cang hét: “Đã nói không được vào, mà ông cứ cứng đầu muốn vào, nguời tụng kinh Kim Cang, không được phép vào nơi này, tôi đã bảo ông đi ra mà ông không chịu đi à!”, liền lấy chày Kim Cang nện xuống đầu cậu, khiến cho đầu cậu vô cùng đau nhức, ngay lập tức liền ngất xỉu, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường. Cậu nói: “À, thì ra là nằm mơ!”. Nhưng quái lạ, cậu cảm thấy ở đâu có mùi rất hôi như là mùi phân heo, mùi này từ trước đến nay trong nhà cậu làm gì có, mà cũng chưa từng nghe mùi này bao giờ. Chao ôi! Cậu cũng vô cùng mệt mỏi, trong dạ lại bồn chồn, mồ hôi ướt đẫm cả thân. Cậu xem kỹ lúc này mới quá nửa đêm, ngủ lại cũng không được, nên dậy tụng kinh Kim Cang và ngồi cho đến sáng. Đến sáng, cậu quyết định đi tìm nơi mà tối qua đã nằm mơ thấy, cậu đi tới những nơi gần đó để tìm xem, vốn dĩ cái cửa nhỏ là gì?
Ô! Nó kia rồi! Cậu vẫn còn nhớ như in cái cửa nhỏ này, đó là cái rãnh nước ở ngoài chuồng heo (nơi chuồng heo người ta đào một cái rãnh để cho phân và nước tiểu của heo chảy ra), chính là nơi tối qua cậu thấy mình đi vào. Bấy giờ cậu cảm thấy lạnh cả xương sống, liền đi tìm người chủ để hỏi thật hư thế nào.
Cậu hỏi:
– Thưa ông chủ! Cho tôi hỏi một chút. Nửa đêm hôm qua có ai đến đây không?
Ông chủ đáp:
– Làm gì có ai, nửa đêm mà đến.
Cậu hỏi:
– Tối qua tôi nằm mộng thấy bảy người đi vào trong đó bằng con đường nhỏ này, chẳng hay bên trong đó có xảy ra việc gì không?
Ông chủ cười và đáp:
– À! Có việc như thế này. Nhà tôi có nuôi heo nái, tối qua heo mẹ sinh được bảy con heo con, sáu con cái và con đực, nhưng con đực vừa sinh ra đã chết rồi.
– Con heo chết ông bỏ đâu? Có thể dẫn tôi đi xem được không?
– Tại sao lại không được nhỉ? Tôi bỏ nó ở bờ rào, cậu theo tôi!
Vừa nhìn thấy con heo đực, cậu biết ngay nó chính là mình, lúc này cậu cảm thấy hai lỗ tai ù ù, không nghe được âm thanh gì hết, trời đất tối om, quay cuồng, đảo lộn, tay chân run rẩy, nói không nên lời (cảm giác của cậu lúc này tôi không thể dùng ngôn từ nào mà lột tả hết được, chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu đáo). Cậu cố gắng chạy về thật nhanh mà miệng luôn lắp bắp: “Nguy… nguy… nguy… hiểm… hiểm… quá… quá!”. Tối hôm qua nếu không có thần Kim Cang quát cậu: ” Người tụng kinh Kim Cang không được phép vào nơi này”, và không dùng chày nện lên đầu cậu chắc chắn bây giờ cậu đã làm heo rồi. Sau khi tỉnh táo trở lại, cậu đến núi Phổ Đà xin xuất gia. Phương trượng núi Phổ Đà hỏi cậu:
– Tại sao ông muốn xuất gia? (tức là hỏi động cơ nào khiến ông đi xuất gia).
Cậu bèn đem tất cả mọi việc kể cho Phương trượng nghe. Nghe xong, Phương trượng nói:
– Như vậy cậu là người rất có thiện căn.
Nhân đó, Phương trượng đặt pháp danh cho cậu là “Liễu Tình”. Cho nên, gọi thầy là “Liễu tình Hòa Thượng”.
Mọi người khi nằm mộng cần phải đặt biệt chú ý, nhất là những bạn thanh niên, dù gặp thiếu nữ rủ cũng không đi. Các bạn có thể trả lời: “Tôi không đi đâu! Tôi có con đường của tôi!”. Muốn đạt được chính niệm như thế, cần phải luyện tập niệm Phật trong mộng. Nếu trong giấc mộng không có khả năng niệm Phật, mà còn bị giấc mộng lôi kéo thì thật nguy hiểm! Cổ đức có bài thi:
Nhất trán cô đăng chiếu dạ đài
Thượng sàng thoát khước miệt hòa hài
Thức thần diểu diểu tùy mộng khứ
Vị tri minh triêu lai bất lai?
Tạm dịch:
Một ngọn đèn con chiếu đêm dài
Lên giường cởi bỏ giày và tất
Thần thức mịt mờ đi theo mộng
Ngày mai không biết sẽ ra sao?
Chính là nói lúc ngủ cần phải để một ngọn đèn sáng hiu hiu, đây là thói quen của tất cả người dân chúng ta từ xưa đến nay, nên mới nói: “Một ngọn đèn con chiếu đêm dài”. “Lên giường cởi bỏ giày và tất”. Lúc đi ngủ cần phải bỏ cởi giày và tất. “Thần thức mịt mờ đi theo mộng”. Nếu ta không có sự tu tập, không có chính niệm niệm Phật, lúc đó thần thức của chúng ta sẽ mờ mờ mịt mịt luôn đi theo giấc mộng. “Ngày mai không biết sẽ ra sao”. Lúc nằm ngủ mà giống như Hòa thượng Liễu Tình thì thật nguy hiểm, nếu không nhờ thần Kim Cang đánh, chắc chắn sẽ không trở lại, sáng mai có còn hay không, không ai có thể biết được.
Trên đời này, không có ít trường hợp nằm ngủ rồi mới chết luôn. Có người cho rằng: ” Nhờ có tu hành, mới chết như vậy, không có sự thống khổ thì tốt chớ sao!”. Chết như thế này cũng không bảo đảm cho mấy, nếu trong mộng mà đi theo chư thiên và cõi trời thì chúng ta thừa nhận có thể tốt. Nhưng, vạn người chỉ có một mà thôi, còn toàn bộ giống như hòa thượng Liễu Tình cả, nếu chết như vậy không được gọi là có tu được! Đây chính là nói: phải luyện tập trong mộng. Nếu như trong mộng nhớ niệm Phật, thì khi lâm chung sẽ có chính niệm và sẽ nắm chắc được con đường vãng sinh.
Trích Tư Lương Người Tu Tịnh Độ
Tác giả: Pháp sư Hội Tính
Dịch giả: Đạo Quang
Posted by Đường Về Cực Lạc on Tháng Chín 22, 2015 at 10:44 sáng
Một câu chuyện có thật về sự “chết đi sống lại” của một vị tăng Đại Hàn được đại sư Chongo Sunim kể lại như sau:
Trong thời thiền sư Seong Chol Sunim còn tại thế, ở chùa HaeinSa nơi ngài trụ trì có một vị tăng quyết định rời chùa đi vào khu rừng núi Jiri San ẩn tu, sống cùng cây cỏ hoang dã nơi thiên nhiên.
Chẳng may, ông ăn phải một loại nấm độc nên bị bệnh nặng, ngã xuống đất thần thức hôn mê. Bỗng nhiên ông thấy mình đang ở trong chùa HaeinSa, cách nơi ông đang ở khoảng hơn 100km, và thấy hai vị tăng bạn của ông đang cử hành một nghi lễ giống như tang lễ. Họ dường như không để ý đến sự hiện diện của ông, và ông lấy làm lạ là thay vì đọc kinh cho đúng, vị tăng đang gõ mõ cứ lập đi lập lại “Chek, chek, chek…” (Sách, sách, sách….), còn vị tăng đang thỉnh chuông thì cứ nói “Yeom ju, yeom ju, yeom ju…” (chuỗi tràng, chuỗi tràng, chuỗi tràng….) Trong chớp mắt, ông lại thấy mình đang ở nhà bà mẹ. Ông đứng sát cạnh bà trong khi bà đang chất củi vào trong lửa. Bà không để ý đến ông, nên ông cúi xuống chạm vào vai bà. Bà kêu lên một tiếng thất thanh và đau đớn gập người lại.
Thế rồi, thoáng một cái, nhanh như lúc ông về chùa và về nhà mẹ, ông lại thấy mình trở lại nơi núi rừng. Từ bờ sông phía dưới phảng phất bay lên mùi thịt bò ướp nướng thơm lừng. Một nhóm người trong bộ hanbok mầu trắng (y phục cổ truyền của Đại Hàn) đang xúm xít ở đó, vẫy tay gọi lớn: ” Xuống đây chơi với tụi này đi! Có nhiều đồ ăn lắm, tha hồ mà ăn!” Đúng lúc sắp nhập bọn với họ, ông chợt nhớ ra mình là vị tăng và không được ăn thịt.
Trên đường đi lên núi trở lại, ông gặp một ông già đang mang một jigae cổ xưa (một cái cũi có khung hình chữ A) trên lưng. Nhưng thay vì chất củi ở trên, ông ta lại mang một người xuống núi. Ông già để người này xuống dưới đất ; thấy người này có vẻ quen thuộc, vị tăng tiến lại gần để nhìn cho kỹ hơn. Khi nhìn mặt người đó, ông chợt hoảng hốt, thấy đang nhìn vào chính mình! Ông sờ lên mặt, rồi bỗng nhiên giật mình tỉnh dạy, như vừa qua một giấc mộng. Chung quanh vẫn là núi rừng, và ông vẫn nằm dưới đất một mình một bóng, nhưng trong lòng đầy hoang mang với kinh nghiệm lạ kỳ vừa qua.
Trở về chùa, ông đi tìm những vị tăng bạn và kể cho họ nghe những gì đã thấy. Họ nói với ông rằng, sư phụ Seong Chol cho họ biết là ông đã chết trên núi JiriSan, và họ cần phải làm nghi thức cầu siêu cho ông ngay. Ông hỏi tiếp rằng, tại sao họ cứ nói “sách, sách…” và “chuỗi tràng, chuỗi tràng…” thay vì đọc những lời kinh cho đúng. Ngạc nhiên, người thứ nhất thú nhận rằng ông biết vị tăng có một sưu tập sách quý nên lúc đó đang suy nghĩ không biết có lấy được sưu tập đó không. Người thứ hai cũng xấu hổ nhìn nhận, ông đang nghĩ đến chuỗi tràng đẹp của người bạn quá cố và cũng tự hỏi không biết có lấy được chuỗi tràng đó không. Như thế, mặc dù họ đang đọc những lời kinh, nhưng ông không nghe được gì ngoài những tư tưởng của họ. Ông lại đến thăm mẹ và kể cho bà nghe những điều đã trải qua. Bà nhớ lại, lúc ấy bà bỗng có một cảm giác đau nhói nơi vai.
Trở về núi rừng, bên giòng suối nơi ông đã thấy nhóm người tụ tập ăn thịt bò nướng, ông không tìm thấy dấu vết bữa tiệc thịt nướng đó ở đâu cả. Nhưng có điều làm ông cảm thấy rúng động, là bên bờ sông có xác một con quạ đang nằm, khắp mình mẩy đầy giòi bọ lúc nhúc. Ông chợt nhận ra rằng, những người ông đã thấy ở bờ sông thật ra là những con ấu trùng đang kêu gọi ông nhập bọn với chúng để ăn thịt xác con chim chết kia. Ông tự hỏi, nếu không tự nhắc nhở mình là người tu mà đi nhập bọn với chúng, có thể nào ông sẽ tái sinh làm một con ấu trùng không? Nếu thế thì muốn sinh ra làm người trở lại sẽ phải khó khăn đến thế nào? Khi ra khỏi thân xác, ông không còn có các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, hay tay chân… Ông chỉ còn thần thức có thể cảm nhận những việc huyễn ảo xẩy ra chung quanh, và không thể nghe những lời nói, chỉ cảm được tư tưởng của người khác.
Posted by Đường Về Cực Lạc on Tháng Chín 22, 2015 at 10:45 sáng
Giải Pháp Giúp Niệm Phật Lúc Ngủ
Sư hỏi vị tăng Hải Châu: “Niệm Phật có thường gián đoạn chăng?”
Tăng đáp: “Hễ nhắm mắt ngủ liền quên mất”.
Sư nghiêm mặt, quở:
Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích! Từ nay trở đi, ông cần phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật chẳng gián đoạn thì mới có phần thoát khổ nổi!
Nếu trong giấc ngủ chẳng niệm Phật được, quên mất đi thì khi mở mắt ra liền buồn khóc, nhỏm dậy ngay, đến ngay trước đức Phật dập đầu đến chảy cả máu, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, dốc cạn hết sức chính mình mới thôi. Làm như thế chừng hai ba chục lần thì tự nhiên trong khi ngủ mê mệt, niệm Phật cũng chẳng bị gián đoạn.
Người đời niệm Phật hoặc là hai, ba chục năm hoặc suốt đời niệm Phật mà đến lúc lâm chung lại thành vô dụng là do lúc ngủ nghỉ chẳng hề có ý niệm nhớ đến Phật. Người sống như đang tỉnh, người chết như mộng; bởi vậy, người nào trong mộng vẫn niệm Phật thì lúc lâm chung tự nhiên chẳng loạn vậy! Muốn khám nghiệm một cách chính xác xem mình niệm Phật có chơn thật hay không thì chỉ cần quan sát lúc mình hoan hỷ và phiền não thì biết rõ ràng ngay là Tâm mình chơn thật hay giả dối.
Ðại để, người Chơn Tâm Niệm Phật dù là lúc hoan hỷ hay phiền não thì tất nhiên vẫn “Niệm Niệm chẳng gián đoạn vì phiền não chẳng lay động người đó nổi, hoan hỷ cũng chẳng lay động người đó được” Phiền não lẫn hoan hỷ đều đã chẳng lay động nổi người đó thì trong cảnh sanh tử sẽ tự nhiên chẳng hoảng sợ. Nay người niệm Phật vừa mới gặp phải chút vui mừng, giận hờn đã vứt A Di Ðà Phật ra sau ót thì sao mà niệm Phật được linh nghiệm cơ chứ?
Nếu làm theo cách niệm Phật của tôi, thật sự có thể chẳng quên mất câu A Di Ðà Phật trong lúc yêu ghét, thế mà chẳng được lợi ích gì trong cuộc sống hằng ngày cũng như khi lâm chung chẳng được vãng sanh thì cái lưỡi của tôi ắt sẽ bị gãy nát vậy!
Nhận định:
Pháp này rất diệu, muốn khám nghiệm “Tâm Niệm Phật” là chơn thật hay giả dối chỉ cần xét trong lúc hoan hỷ hay phiền não. Nếu như trong giấc ngủ, việc niệm Phật bị gián đoạn thì hãy nên dũng mãnh tinh tấn làm theo cách này thì hiện tại sẽ được lợi lạc, lâm chung tự được vãng sanh.
Trích yếu sách Tử Bách Lão Nhân Tập
của đại sư Tử Bách Ðạt Quán đời Minh